“Đúng là ở SoTo việc gì cũng dễ”
Nghe nói Giám đốc Công ty SoTo là bác Phạm Đình Hải có Giải pháp làm cho nông thôn không rác thải (gọi tắt là Giải pháp KR) có thể tiết kiệm tiền cho Nhà nước mỗi năm rất nhiều tiền, mới đây, một nữ phóng viên đã liên hệ đến làm việc và đặt câu hỏi:
– Giải pháp KR của bác có gì đặc biệt mà lại tiết kiệm được cho Nhà nước rất nhiều tiền?
Nghe vậy, bác Phạm Đình Hải vui vẻ trả lời:
– Đơn giản vì thực tế không có gì là rác cả. Nếu thức ăn thừa, bao bì ni long, phế liệu, giầy dép, đồ đạc, nội thất… không để lẫn vào nhau mà được phân loại ra thì mọi thứ đều có thể sử dụng hữu ích, làm gì còn rác mà phải xử lý.
– Vậy làm sao để người dân chịu phân loại rác khi mà không có chế tài về việc đó hả bác? – Nữ phóng viên băn khoăn hỏi lại.
– Cứ đánh vào kinh tế thì người dân ắt sẽ tự giác phân loại. Nếu lượng rác nhiều thì trả tiền nhiều, rác ít thì trả ít. Tương tự, rác sạch phân loại thì trả công vận chuyển thấp còn rác bẩn thì công vận chuyển và xử lý sẽ cao hơn. Người thu gom rác sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và công kiểm tra sẽ được tính vào lương. – Bác Phạm Đình Hải giải thích tường tận.
– Vậy thì cách thức tổ chức thực hiện sẽ như thế nào ạ? – Nữ phóng viên càng lúc càng tò mò.
Lúc này, bác Phạm Đình Hải mới mời phóng viên đi thực tế tại khu du lịch biển Tiên Trang – nơi công ty làm chủ đầu tư để giải thích rõ hơn về Gải pháp KR của mình. Chỉ tay vào những thùng rác đã được phân loại, bác Hải cho biết:
– Ở đây luôn có 2 thùng rác liền kề nhau để cho nhân viên và du khách tiện phân loại. Loại 1 là rác hữu cơ, cặn bã, rau cỏ… sẽ được công ty thu gom làm phân vi sinh để chăm bón cho các vườn hoa, cây cảnh trong khu du lịch. Loại 2 là các loại nhựa, nilong, thủy tinh…, công ty sẽ cho người thu gom đem bán hoặc sử dụng làm vật liệu xây dựng khi cần.
Thấy nữ phóng viên có vẻ còn lăn tăn, bác Hải nói tiếp:
– Thực chất “Giải pháp KR” được viết ra dựa trên thực tế mà công ty đã thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua. Vì vậy, nó hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn. Giải pháp này đảm bảo tính công bằng ở chỗ, hộ nào nhiều rác loại 1 hơn thì phải trả gấp đôi rác loại 2. Nếu rác có thể tái chế thì sẽ không mất tiền, từ đó sẽ khuyến khích người dân tích cực phân loại rác để giảm chi phí . Do đó, nếu giải pháp được triển khai thì chắc chắn, người dân đều sẽ tự giác thực hiện.
Nghe đến đây thì nữ phóng viên gật gù công nhận:
– Bác nói chí phải. Đúng là “ở SoTo việc gì cũng dễ” là có thật.